Nhọc nhằn nghề làm đá granite

Trên con đường mưu sinh, có một công việc mà cả chủ và công nhân đều phải xăn tay áo để làm cho chủ nhà hay chủ công trình hài lòng mới thôi, đó là nghề làm đá granite nhiều nhọc nhằn, khổ cực và không có ngày nghỉ.

Thợ đá kiểm tra đá ngay sau khi nhận về.

Đang ngồi nhâm nhi ly cà phê sáng còn bốc hơi nghi ngút, anh Nguyễn Văn Thụy (chủ một cửa hàng đá granite ở phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) vẫn không quên kiểm tra đơn đặt hàng trên điện thoại và điều phối thợ cho kịp tiến độ các công trình xây dựng. Anh cho hay, hầu hết các cửa hàng bán và thi công trang trí đá granite ở TP.Biên Hòa đều tập trung ở đường Võ Thị Sáu. Chỉ riêng trên con đường này đã có hơn 10 cửa hàng, công ty lớn nhỏ chuyên về lĩnh vực này.

* Nghề không giờ giấc

“Muốn làm tốt nghề này, điều cốt lõi là phải biết sắp xếp hợp lý vì tính chất công việc thiếu ổn định, nếu ít thợ thì khi có công trình sẽ không đủ thợ để thi công, làm chậm tiến độ dẫn tới mất uy tín; nếu thợ nhiều gặp lúc không có đơn đặt hàng, ngồi chơi cả tháng trời thì lỗ sở hụi. Nghề này làm việc bất kể giờ giấc, lúc nào có người gọi là đi làm, có khi đến tận tối mịt mới về, nhất là khi nhận những công trình ở xa. Tùy vào diện tích khách hàng đặt hay loại đá khách chọn mà chúng tôi sẽ đặt từ công ty đá, do đó vốn đầu tư ban đầu của các cửa hàng làm dịch vụ này là không nhiều, vài chục triệu là có thể mở tiệm được rồi” - anh Thụy cho hay.

Chị Phan Thị Hồng, người quản lý một cửa hàng đá granite trên đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa kiêm việc tư vấn cho khách, chia sẻ phải luôn “bắt mối” với những công ty, các nhà thầu xây dựng để khi chủ nhà có nhu cầu sửa dụng đá granite thì giới thiệu. Ngoài việc thi công theo yêu cầu, người tư vấn có thể khéo léo thuyết phục khách làm thêm một số vị trí khác để tạo điểm nhấn cho công trình và kiếm thêm thu nhập cho cửa hàng.

“Khoảng 10 năm trở lại đây, việc sử dụng đá granite trong công trình xây dựng dân dụng mới rộ lên chứ hồi trước ít lắm, một phần vì giá cao, một phần vì không có nhiều cửa hàng làm dịch vụ này. Vả lại xây dựng nhà cửa cũng theo “mốt” giống thời trang vậy, hồi trước cái người ta không chuộng nên không ai mở dịch vụ, giờ chuộng nên nhiều cửa hàng mở ra. Tuy nhiên không vì vậy mà xảy ra chuyện cạnh tranh, giành giật khách giữa các cửa hàng, hầu hết các chủ cửa hàng, thợ đá đều thân quen với nhau nên ai lấy được mối nào thì làm, còn hỗ trợ lẫn nhau. Nhiều lúc thiếu thợ chúng tôi còn mượn thợ lẫn nhau. Ai cũng vì mưu sinh cả, giành giật làm gì cho mang tiếng” - chị Hồng bộc bạch.

* Cẩn thận từng li

“Khiêng đá, cắt đá… hầu như công đoạn nào cũng có thể gặp tai nạn lao động. Ai mà chẳng biết bụi đá ảnh hưởng sức khỏe, khiêng đá riết thì chai tay. Chưa kể mấy cái táp-lô điện của máy cắt thì toàn đồ tự chế cả nên nhiều lúc chập điện cũng thấy ớn ớn” - anh Nguyễn Văn Thụy nhận định.

Vì giá thành một tấm đá tương đối cao và trọng lượng khá nặng nên khi thi công người thợ phải hết sức cẩn thận. Theo số đo ghi nhận từ công trình hoặc được khách cung cấp, từ những tấm đá to bản, người thợ phải dùng máy cắt để chia tấm đá thành các phần thích hợp. Chỉ cần sơ sẩy thì có thể cắt sai làm hỏng cả tấm đá, nhất là ở các chi tiết tinh xảo, hoặc cắt vào tay bị thương. Chiếc máy cắt đá bén ngót theo tay những người thợ cắt ra các đường nét tỉ mỉ, chính xác. Nhiều thợ đá cho hay để đạt được sự khéo léo này phải bị thương vài lần và tốn vài triệu đồng tiền đá cắt hỏng.

Anh Trần Vinh Quang, chủ một cửa hàng đá granite ở xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tâm sự: “Không chỉ ở thành phố mà ngay cả ở vùng nông thôn, hiện nay người ta cũng rất chuộng ốp đá granite lên các công trình xây dựng dân dụng. Vì vậy, nhiều thanh niên ở nông thôn kéo nhau học nghề rồi về quê mở tiệm. Để học thạo nghề cũng gian nan lắm, ai khéo thì học nửa năm, người kém thì vài năm chưa đạt. Ngoài ra còn phải biết bắt mối với các công ty, nhà thầu xây dựng để kiếm đầu ra, biết các công ty đá để kiếm nguồn nguyên liệu, rồi về quê kéo theo mấy người quen, anh em về làm thợ để tiện công việc”.

Thợ đá kiểm tra đá ngay sau khi nhận về.

Tại các cửa hàng, tiếng máy cắt đá vang rền đến chói tai, nhức đầu, nhưng những người thợ lại thản nhiên làm việc vì đã quá quen với âm thanh này. Bụi đá theo lưỡi cưa bay mù mịt dù đã có tưới nước để mềm đá và bớt bụi, thỉnh thoảng vài mảnh đá nhỏ bắn ra khiến chúng tôi giật mình lùi lại. Lao vào cuộc mưu sinh bên những tấm đá vô tri, người thợ còn phải đối mặt với những nỗi lo thương tích khi sử dụng các thiết bị cắt trong khi trang bị bảo hộ lao động thì sơ sài, kém an toàn.

Đá được cắt xong, đem mài các cạnh cho bớt sắc nhọn, rồi ướm thử vào vị trí ốp, xong đâu đó mới cố định bằng keo. Với các công trình xây dựng dân dụng bình thường chỉ cần 2 giàn giáo là đủ để thợ đá leo trèo, hiếm khi khách hàng yêu cầu ốp đá tại các vị trí cao.

“Hầu hết những chủ cửa hàng đều phải đi làm chung với thợ ngay tại công trình để hướng dẫn thợ và góp ý trực tiếp cho khách hàng, nhưng cũng chỉ đến khoảng 40 tuổi là phải ở nhà quản lý vì sức khỏe không cho phép như trước nữa. Vì vậy chúng tôi luôn tranh thủ lúc trẻ làm thật nhiều, tích lũy kha khá rồi đào tạo một người thân tín để thay mình đi công trình sau này” - anh Quang cho hay.

Công ty TNHH Độ Nam Tiến với 17 năm trong ngành thiết kế và thi công các hạng mục công trình xây dựng, chúng tôi tự hào đã tạo ra các giá trị tốt đẹp và đem đến sự hài lòng cho các chủ đầu tư.

Theo baodongnai